Sau khi đã được truyền bá một cách trực tiếp trên quê hương của phân nửa loài người, và gián tiếp ảnh hưởng trên một phần không nhỏ những vùng đất còn lại (1), Phật Giáo của những ngày cuối thế kỷ 20 không ngừng chinh phục thêm những tâm hồn mới, mở rộng đến những xã hội, những nền văn hóa mới, đặc biệt là ở các nước thường được gọi là “Tây Phương”. Tại các quốc gia này, càng ngày càng có nhiều người bày tỏ sự đồng tình, hay ít ra là thiện cảm, với tư tưởng của Đức Thích Ca. Trong số họ, có nhiều triết gia, văn nghệ sĩ, ký giả, nhà kinh doanh, khoa học gia từ các ngành học Vật Lý tới Tâm Lý, và cả những Linh Mục, Nhà Thần Học, Nhà Khổ Tu v.v...Riêng tại Pháp đã có khoảng 300 ngàn người tuyên bố tín ngưỡng của mình là Phật Giáo (2). Con số cảm tình viên không đặt vấn đề theo Đạo này hay theo Đạo khác, chắc chắn còn nhiều hơn gấp bội phần. Khi Tạp Chí “Vogue” in hình Đức Đạt Lai Lạt Ma trên trang bìa, số báo bán được liền tăng lên tới 83 % ! Ban nhạc Rock “Meccano"(người Tây Ban Nha), không nổi tiếng lắm, nhưng trong thời gian phô biến một bài hát về Phật Giáo Tây Tạng, đã trồi lên được thượng tầng của bảng xếp hạng “Top 50” ! (3) Rồi khi phim “Little Buddha” được trình chiếu lần đầu tại Paris, một số nhà phê bình tỏ vẻ thất vọng vì đã đặt quá nhiều hy vọng nơi nhà đạo diễn tài danh Bertolucci để làm chói sáng tư tưởng Phật Giáo trong quần chúng Tây Phương. Thêm vào đó, sự pha trộn hai câu chuyện, chuyện chú bé người Mỹ ở thời nay, và chuyện cuộc đời Đức Phật, bị coi như một “xảo thuật” đẻ cho khán giả “dễ nuốt” Đức Phật hơn, và như thế, đã bị chê là không đủ niềm tin nơi Đạo Phật ! Phải nói là giới trí thức Tây Phương không thiếu người đặt niềm tin nơi tư tưởng Phật Giáo để giải quyết các vấn đề của thời đại, như S.C.Kolm (4) trong sách “Sortir de la crise"(Ra khỏi khủng hoảng), hoặc như Octavio Paz, Giải Nobel Văn Chương (5), khi ông nói :“Phật Giáo là tư tưởng ngoạn mục nhất, và mang nhiều tính cứu độ nhất...”

Sự lan rộng của Phật Giáo lại có vẻ rất nhẹ nhàng, ít gặp những chống đối gay gắt. Thật vậy, một tôn giáo thường phải đụng đầu với hai loại đối thủ : khoa học “vật chất”, và các tôn giáo khác (tôn giáo “bạn”!). Đối với Phật Giáo, khoa học không là đối thủ. Ngược lại, người ta không ngớt bàn tán về những tương đồng giữa đa số quan điểm của Đạo Phật với những khám phá mới nhất của khoa học. Các tôn giáo “bạn” cũng có vẻ sẽ không là những đối thủ của Phật Giáo, nếu Đạo Phật được trình bày dưới một hình thức nào đó. Linh Mục Dòng Tên Yves Raguin (6) có thuật lại một giai thoại lý thú, như sau :

Vào thế kỷ thứ 8, Jean Damascène, người Syrie, đã dịch một tác phẩm mà ông nghĩ là cuộc đời của Thánh Josaphat. Theo LM Raguin, tác phẩm này ảnh hưởng mạnh mẽ trên đời sống tu hành của các tu viện Công Giáo thời Trung Cổ. Một chi tiết : tác phẩm của Damascène nói về cuộc đời...Đức Phật !

Điều này cho thấy, dưới một hình thức hơi “độc đáo” một tí, giáo lý của Đức Thích Ca đã được chấp nhận bởi Ky Tô Giáo kể cả trong một thời kỳ bị coi là ít cởi mở nhất. Vì thế người ta không ngạc nhiên khi nghe Linh Mục Dòng Tên J.K.Kadowaki nói rằng chính nhờ Phật Giáo mà ông đã hiểu và thực hành Thánh Kinh một cách xâu xa hơn (7). Người ta cũng không ngạc nhiên trước khẳng định của Linh Mục Khổ Tu David Steindl-Rast (8) cho rằng cần phải vận dụng rộng rãi phương pháp luận Phật Giáo, rằng các lý thuyết “tính Không” và “Trung Đạo” có thể giúp khái niệm “mến Chúa” có nội dung. Rồi cũng thật tự nhiên khi thấy các vị Khổ Tu Công Giáo ngồi xếp bằng tĩnh tọa theo phương pháp của Nhà Phật, trong một phóng sự truyền hình Pháp. Thật ra, danh sách các Tu Sĩ Công Giáo đã công khai ủng hộ Đạo Phật còn dai. Ta có thể kể thêm : Linh Mục Dòng Tên (Jésuite) Enomiya Lasalle, Linh Mục Besnard, Dòng Thỉnh Giảng (Dominicain), Nhà Khổ Tu Pierre Francois de Béthume (Dòng Bénédictin), Hồng Y Lercaro, Tổng Giám Mục thành Bologne, v.v...(9) Thậm chí đến Nhà Thần Học Eugen Drewermann, một Linh Mục Công Giáo đang gặp vài khó khăn với “thượng cấp”, đồng thời cũng là một nhà Phân Tâm Học, Giáo Sư Đại Học, và là hiện tượng nổi bật trong trường tư tưởng Âu Châu vài năm nay, được tán dương là “Luther tân thời”, cũng đã chọn một câu của Đức Phật để làm bạt cho tác phẩm nổi tiếng nhất của ông (10). Ông thường tuyên bố : rất gần Phật Giao, cho rằng Phật Giáo chứa đựng ý nghĩa nguyên thủy của Phúc Âm (11). Tuy nhiên, ông vẫn chọn là người Công Giáo, vì hệ thống biểu tượng của Công Giáo thích hợp với ông hơn. Gần đây, bà Tổng Thống Đức Herzog, một người theo Đạo Tin Lành, cũng nói trong một cuộc phỏng vấn là bà tìm thấy nơi Đạo Phật nhiều điều như tính vị tha, khả năng tập trung tinh thần, và “sự bình thản rất lớn về mặt nội tâm”...(12) Ngược thời gian, nhiều học giả, trong số có C.G.Jung, đã ghi nhận những tương đồng giữa Giáo lý của Đức Phật với tư tưởng của Thánh Ignace de Loyola, Thánh Thérèse d'Avila, Thánh Francois d'Assise, hay của Maitre Eckhart...

Vậy, nếu không bị cản trở bởi khoa học “vật chất”, cũng không bị cản trở bởi các tôn giáo khác, thì, trong thời đại mới, cái gì sẽ cản trở sự lan rộng của Phật Giáo ra khỏi những lãnh thổ truyền thống của mình, đến những vùng đất mà tư tưởng và cách sống vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến toàn nhân loại ? Cái gì, nếu không phải là chính...Phật Giáo ?

Nói thế, cũng là tự hỏi liệu Phật Giáo có thực sự đem lại nổi những điều hiệu quả để giải quyết những vấn đề của thời đại hay không ? Và, như mọi tổ chức thế tục, Phật Giáo sẽ thích nghi như thế nào với cái thời đại ấy ?

Mặt khác, chúng ta cung không thể không tự hỏi : trong trường hợp Việt Nam, đâu sẽ là những đóng góp của Phật Giáo trong giai đoạn đổi đời khó khăn sắp tới ?

Đó là những tham vọng của bài viết này. Để tiện việc trình bày, trước tiên, chúng tôi xin đề nghị vài suy nghĩ về thời đại chúng ta hiện sống, trước khi bàn đến khả năng đóng góp của Phật Giáo trong thời đại ấy trên bình diện cá nhân, rồi trên bình diện xã hội, để kết thúc trong bối cảnh của nước Đại Nam ta.


    o                                              

I) VÀI SUY NGHĨ VỀ THỜI HIỆN ĐẠI :

A) CÁC TIÊU CHUẨN CỦA THỜI HIỆN ĐẠI :

Thời đại trong đó chúng ta đang sống bao gồm một số tiêu chuẩn được đề ra một cách quy ước. Có nhiều quy ước, và nhiều tiêu chuẩn. Chúng tôi xin chọn chỉ bàn đến ba tiêu chuẩn chính. Đó là:

-sự phát triển của khoa học
-sự đẩy lùi tinh tôn giáo ra khỏi môi trường sống của con người
-sự lãnh đạo của một số hình thái kinh tế thường được gắn
liền với khái niệm Tư Bản Chủ Nghĩa.

B) NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA THỜI ĐẠI :

Chúng ta chỉ có thể chọn vài vấn đề tiêu biểu. Trước hết, xin ban sơ qua về Tư Bản Chủ Nghĩa (13).


1) Tư Bản Chủ Nghĩa

Tư bản chủ nghĩa được định nghĩa như một mô hình tổ chức xã hội trong đó phương tiện sản xuất và phương tiện trao đổi nằm trong tay tư nhân. Tư nhân có khuynh hướng đặt tư lợi lên trên hết. Vì thế, một trong những động cơ chính yếu của xã hội tư bản là HIẾU LỢI. Để được lợi, tư bản chủ nghĩa đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ.

Vì cần đẩy mạnh tiêu thụ, nên xã hội tư bản thường ôn hòa rộng rãi, và khuyến khích CÁ NHÂN CHỦ NGHĨA. Thật vậy, nếu hẹp hòi, quá khích, thì phải loại bỏ bớt một phần xã hội, tức bớt số người tiêu thụ. Mặt khác, cá nhân cần dược đề cao, cần có tự do, cần có một mức sống nào đó, để kích thích mỗi cá nhân tiêu thụ ngày một thêm lên.

Về chính trị, xã hội tư bản thường thiên về một thể chế ĐA NGUYÊN. Lý do vì phương tiện trao đổi và sản xuất là thực chất của quyền hành, mà những phương tiện ấy lại nằm trong tay tư nhân, nên thực chất quyền hành trong xã hội dễ bị phân tán, trở thành “đa nguyên”. Tuy nhiên, dù bị phân tán, quyền hành vẫn nằm trong tay người có phương tiện sản xuất và trao đổi, khiến cho các xã hội tư bản thường đi vào con đường DÂN CHỦ HÌNH THỨC.

Vì được điều hành bởi tư lợi, kiểu dân chủ hình thức, nên các xã hội tư bản rất hay được quản lý một cách THIỂN CẬN.


2) Sự phát triển của khoa học dưới sự lãnh đạo của Tư Bản Chủ Nghĩa

Tính duy lợi và thiển cận của các xã hội tư bản khiến sự phát triển của khoa học thường đưa đến hai loại vấn đề :

-Thứ nhất là ô nhiễm, tàn phá môi sinh, và lãng phí tài nguyên thiên nhiên. Lý do vì các khám phá khoa học được ưu tiên hướng đến việc gia tăng sản suất (sản suất những hàng hóa mới, hay những hàng hóa sẵn có, nhưng nhanh hơn và nhiều hơn), cũng như gia tăng nhu cầu tiêu thụ. Gia tăng tiêu thụ và sản xuất đưa đến gia tăng ô nhiễm cũng như phí phạm tài nguyên thiên nhiên. Đó là chưa kể đến những tai hại đặc biệt của việc sản xuất và tiêu thụ khí giới...

-Thứ hai là vấn đề cạnh tranh giữa cái máy và sức người, làm gia tăng nạn thất nghiệp. Vì hiếu lợi, các xí nghiệp bị cám dỗ sử dụng máy móc thay con người, để làm giảm giá thành của hàng hóa, khiến cho sự phát triển kinh tế không còn tạo thêm công ăn việc làm như người ta vẫn thường tin tưởng. Thật vậy, gia tăng sản xuất bây giờ phần lớn do gia tăng năng xuất của máy móc, chứ không cần đòi hỏi thêm nhân công như trước.


3) Con người trong xã hội tư bản :

Con người trong xã hội tư bản còn gặp phải một số vấn đề khác như :

-Bị cô lập đối với thiên nhiên, trong những đô thị lớn, gây nên cảm giác xa lạ đối với thiên nhiên.

-Bị cô lập đối với những con người khác, do khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa nằm trong bản chất của xã hội tư bản.

-Bị đánh giá theo khả năng tiêu thụ của mình : anh “hơn” tôi vì anh có nhà sang hơn, xe lớn hơn, quần áo đắt tiền hơn tôi v.v...Con người tiêu thụ được tôn trọng, có nhiều quyền ("khách hàng là Vua"), trong khi con người sản xuất bị coi rẻ. Tại các nước tiền tiến, con người sản xuất cũng là con người tiêu thụ, và được tôn trọng. Trong khi đó, ở những quốc gia mà khả năng tiêu thụ còn quá kém, con người chỉ đơn thuần là “con người sản xuất”, thì sanh mạng, đời sống cũng như nguyện vọng của những con người này rất “rẻ” (14). Vì bị đánh giá theo khả năng tiêu thụ, nên con người thời đại luôn lo lắng bám víu vào khả năng này để duy trì giá trị con người của mình. Kết quả là một tâm trạng ích kỷ, và luôn ưu tư, lo lắng, nhất là đối với nạn thất nghiệp, được coi như một “định chế” của nhiều xã hội tư bản.

Ngoài ra, vai trò của con người trong xí nghiệp cũng đưa đến nhiều vấn đề quản trị phức tạp. Thật vậy, sự phát triển của phương thức sản xuất và sự biến hóa rất nhanh của thị trường khiến các xí nghiệp luôn phải nỗ lực thích nghi với hoàn cảnh mới. Khả năng thích nghi là một khả năng đặc thù của các sinh vật, trong đó có con người, chứ hoàn toàn không phải là sở trường của máy móc. Vì thế người ta không mấy ngạc nhiên khi thấy, mặc dù nằm trong bối cảnh cơ giới hóa mạnh mẽ hiện nay, các xí nghiệp vẫn thường nói đến nhu cầu quản lý nhân lực như một yếu tố rất quan trọng để phát triển (15). Người ta than phiền về sự rời rạc trong tổ chức nhân sự, với những đối kháng giữa chủ và thợ, giữa các cấp bậc trong xí nghiệp, về sự thiếu sốt sắng trong công việc làm, thiếu sáng kiến từ dưới lên, thiếu mềm dẻo trong những liên hệ giữa các cấp bậc, các ngành chuyên môn, đưa đến kiến thức và tin tức không lưu chuyển, thiếu tinh thần trách nhiệm đối với những mục tiêu của xí nghiệp, thiếu sự đào tạo liên tục, thợ thuyền ở tầng cấp dưới thiếu kiến thức tổng quát về hàng hóa mình sản xuất, v.v...(16)

Người ta không khỏi nghĩ đến sự thành công của những “mô hình xí nghiệp phôi thai” ở thời Trung Cổ là các tu viện Khổ Tu Công Giáo, đặc biệt là các tu viện Citeaux, và gần đây hơn, đến vai trò của Đạo Tin Lành trong sự phát triển của các xí nghiệp kỹ nghệ đầu tiên (theo Max Weber), và tự hỏi về tầm quan trọng của yếu tố tinh thần trong sự phát triển (16). Điều này đưa chúng ta sang lãnh vực tôn giáo.

4) Sự lùi bước của Tôn Giáo trong thời hiện đại :

a) Khoa học và tôn giáo :

Sự phát triển của khoa học có khuynh hướng đưa Thần Thánh ra ngoài sự sống. Khoa học đem lại những giải thích duy lý cho các sự kiện mà con người cảm thấy trong cuộc sống mà không cần dùng đến các yếu tố thiêng liêng. Thần Thánh, Thiên Chúa, không còn cần phải can thiệp vào mỗi sự việc của cuộc sống nữa. Mặt trời không còn là cỗ xe ngựa, mỗi sáng phải chờ Thần Apollon leo lên lái chạy một vòng trên vòm trời, và cây cỏ, sông, biển, bão tố, mùa màng, bệnh tật v.v...sẽ chỉ còn tuân theo những định luật vật chất. Thậm chí, người ta biện minh được cho cả những quy luật điều hành các hiện tượng tâm thần (như với Freud), và các hiện tượng xã hội (với Xã Hội Học từ Auguste Comte tới sau này). Thế thì Thần Thánh, hay Thượng Đế, giỏi lắm cũng chỉ được coi như những thế lực đã làm ra những định luật kia, rồi được mời...đi chỗ khác chơi ! Điều này đưa đến những hậu quả quan trọng trong đời sống con người.

b) Con người là con người tôn giáo :

Thật vậy, theo những nghiên cứu gần đây, đặc biệt là của Mircea Eliade, thì “tính tôn giáo” không chỉ hiện hữu trong trạng thái ấu trĩ của loài người mà ngược lại, thuộc về bản chất của cái mà Pascal gọi là “cây sậy biết suy tư"(17). Vì thế, Eliade gọi con người là “con người tôn giáo” (homo religiosius), coi tôn giáo như thuộc về định nghĩa của con người, thuộc về “cái tôi” của mỗi người.

Thế nhưng, như vừa nói, với sự phát triển của khoa học, tính tôn giáo nơi con người bị mờ nhạt đi, và như thế là con người đã đánh mất đi một phần cái tính người của mình. Đó là hiện tượng “vong thân”, khi “ta không còn là ta”. Điều này đưa đến một số phản ứng. Khi anh mất cái gì thì anh lo lắng tìm kiếm. Trong điều kiện tìm không ra, thì anh bực bội, cáu kỉnh, thần kinh căng thẳng. Việc tìm kiếm “cái tôi mà tôi không chấp nhận được” (do sự cản trở của óc khoa học) là một sự tranh đấu giữa tôi và tôi, với những tàn phá trên chính “cái tôi”, và những lãng phí năng lượng quan trọng.

Mặt khác, đánh mất tính tôn giáo cũng là đánh mất một mối liên hệ quan trọng giữa mình và người khác, đưa đến một sự cô lập nào đó đối với đồng loại. Sự cô lập ấy có thể đem lại nhiều hoang mang, vì nó khiến cho cuộc đời của mỗi người không còn liên hệ với một định mệnh lý tưởng chung của loài người nữa. Tôi sẽ đi về đâu ? tôi sống để làm gì ? v.v...trở thành những câu hỏi nặng nề, không trả lời được.

Với tôn giáo, trong nghịch cảnh, người ta vẫn còn có thể hy vọng nơi một định mệnh tốt đẹp chung của loài người, hay ít ra cũng có được một phương thế để ảnh hưởng trên những thế lực thần thánh điều hành những nghịch cảnh ấy, thí dụ cầu nguyện cho hết lụt, cho mưa thuận gió hòa v.v...Ngày nay, một con người thời đại, lỡ có bị thất nghiệp, liền được giải thích rằng : sở dĩ anh thất nghiệp là vì Bundesbank (18) tăng tiền lời, hay giá Đô La tuột dốc, hay thị trường chứng khoán ở Tokyo trồi sụt sao đó, v.v...Thử hỏi anh ta có thể làm gì được để ảnh hưởng trên những chuyện ấy ? Ông Thần, ông Thánh nào ảnh hưởng được trên Bundesbank, trên Federal Reserve, trên chỉ số Dow Jones, hay Nikkey ? Rốt cuộc vẫn là hoang mang, lo lắng, cảm giác bất lực, đưa đến thối chí, tuyệt vọng.

Phai nhạt tính tôn giáo, là tự cắt đứt phần nào với đồng loại, và cũng là một cách cắt nghĩa hiện tượng “cá nhân chủ nghĩa” của người thời đại. Không những “cá nhân chủ nghĩa” thái quá dễ đưa đến buồn bã, chán nản, mà, theo một số học giả, nó còn có thể làm suy yếu khả năng phát triển kinh tế, một ưu tư lớn của xã hội tư bản.

c) Tư Bản Chủ Nghĩa và Tôn Giáo :

Xã hội tư bản coi tôn giáo như một món hàng, nên cũng quý trọng tôn giáo, như quý trọng hàng hóa. Ngoài ra, tôn giáo cũng là phương tiện để duy trì sự ổn định xã hội. Có thể nói, trong một xã hội bất công, tôn giáo cho con người một cảm tưởng bình đẳng. Tuy nhiên những quan hệ vừa kể với tôn giáo không đủ để cho xã hội tư bản hưởng được những đóng góp có tính cách nền tảng của tôn giáo, thí dụ như việc đem lại một ý nghĩa cao quý, thăng hoa cho công việc làm. Con người trong xã hội tư bản làm việc cho mình, với một tinh thần duy lợi riêng tư. Điều này, rất dễ đưa đến nhàm chán, buồn bã, hoang mang, lo sợ, cũng như thái độ luôn luôn bất mãn thường thấy nơi con người thời đại. Thật vậy, nghĩ đến mình nhiều quá, thì cái gì cũng lo, cũng sợ, cũng than thở, sầu bi, hoặc bất mãn, tức giận, dù cho mình có nhiều may mắn cách mấy so với những người thực sự khốn khổ. Thậm chí đến sự đồng thuận mà nhiều người đề cao trong xã hội tư bản cũng chỉ là đồng thuận trên căn bản bảo vệ quyền lợi ích kỷ của các tập đoàn hay thế lực trong xã hội. Điều này không đương nhiên đưa đến những giải pháp tốt đẹp cho toàn xã hội. Nó có thể khiến xã hội trở thành rời rạc, mỗi tập đoàn cố bám víu lấy những quyền lợi riêng của mình, bất chấp quyền lợi chung. Đây cũng có thể trở thành một trở ngại cho phát triển.

o


II) KHẢ NĂNG ĐÓNG GÓP CỦA PHẬT GIÁO TRONG THỜI HIỆN ĐẠI

A) TRÊN BÌNH DIỆN CÁ NHÂN :

Trên lý thuyết, người ta có thể dễ dàng đối chiếu những điều Đức Phật và các truyền nhân của Ngài giảng dạy với phần lớn những vấn đề của con người thời đại trên bình diện cá nhân. Chúng ta sẽ duyệt qua khía cạnh ly thuyết này, trước khi bàn đến hiệu quả rất kém cỏi của chúng trong thực tế, để nhấn mạnh đến khía cạnh phương pháp trong Phật Giáo.

1) Thỏa hiệp với khoa học :

Điểm lý thuyết đầu tiên mà chúng ta có thể ghi nhận, là : trong khi con người thời đại đánh mất tính tôn giáo của mình, đưa đến tình trạng “vong thân”, với những hoang mang, buồn chán, như đã nói ở trên, mà đồng thời lại bị khó khăn trong việc tìm lại cái tính tôn giáo ấy, do sự cản trở của óc khoa học, thì Phật Giáo đem lại một “tôn giáo” phù hợp với những khám phá khoa học mới mẻ nhất.

Nhu cầu “thỏa hiệp” giữa tôn giáo và khoa học được cảm nhận rất rõ ràng qua trường hợp của Chủ Thuyết Marx. Thật vậy, chủ thuyết Marx là một lý thuyết mang tính khoa học, nhưng lại thường được cảm nhận như một tôn giáo. Chúng ta đã thấy sức cuốn hút vô cùng mạnh mẽ của chủ thuyết ấy trong trường tư tưởng của thế kỷ 20. Ngày nay, chủ thuyết này không còn hợp “thời trang nữa, nhưng, nhu cầu “thỏa hiệp” giữa tôn giáo và khoa học vẫn còn nguyên vẹn. Phật Giáo đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu này.


2) Lo sợ vì cuộc sống vượt ngoài tầm tay của mình :

Như đã nói ở trên, con người thời đại sinh hoạt trong một cuộc sống vượt ngoài tầm tay mình. Trước kia, con người có thể cầu cho mưa thuận gió hòa, và lỡ có lụt lội, hạn hán, cũng có phương pháp cúng kiếng cầu đảo. Ngày nay, ông Thần nào ảnh hưởng được trên trị giá của đồng Đô La, trên lãi suất của Bundesbank ? Các chính sách kinh tế, tiền tệ, an sinh xã hội, năng lượng v.v...đa số đều rất phức tạp, khiến người dân thường khó mà hiểu nổi, mặc dù những chính sách ấy ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của họ. Cảm giác bất lực này làm cho sự hoang mang lo sợ trước những bất trắc của cuộc sống bị nhân lên gấp bội phần.

Trong tình trạng ấy, Phật Giáo dạy quay về với chính nội tâm mình để tìm nguồn gốc của đau khổ, thay vì chạy theo các nguyên do bên ngoài mình, mà mình không thể hiểu được, hay không thể ảnh hưởng tới được. Rồi, từ sự ý thức những nguyên do của khổ đau, Đạo Phât dạy tìm những yếu tố diệt khổ, và con đường đi đến các yếu tố ấy. Theo một quy luật tâm lý học dễ hiểu, thì chỉ cần đặt chân trên con đường này, là khổ đau, lo sợ, đã giảm bớt đi rất nhiều rồi.

Thêm vào đó, thuyết nhân-quả dạy chú trọng vào “nhân” để đừng sợ “quả”. Đó là dạy đừng lo sợ trước những gì có thể xảy đến trong tương lai, mà hãy tập trung vào việc gieo rắc những “nhân” lành trong hiện tại, qua việc làm, lời nói và tư tưởng. Làm việc tốt lành, tự nó đã là một hạnh phúc. Tập trung vào đó, mà quên đi những nghịch cảnh đang hay có thể xảy đến, thì chính là xa lánh ưu tư, lo lắng, mà trầm mình trong nguồn hạnh phúc vậy.

Một khía cạnh khác của thuyết nhân-quả, là sự chấp nhận những gì xảy đến cho mình như những điều bắt buộc, không thể tránh được, không làm sao khác được. Lo lắng cách mấy cũng vô ích, vì một khi cái “nhân” đã gieo rồi, thì “quả” bắt buộc phải gánh chịu. Chấp nhận, là an phận, và an phận, là bớt sợ hãi, bớt lo lắng. Nói cách khác, chấp nhận nghịch cảnh, chính là thoát khỏi nghịch cảnh, vì khi đó nghịch cảnh là một cái gì tự nhiên, thuận quy luật, tức không còn “nghịch” nữa.

Với Thuyết Vô Thường, cho là sự vật luôn biến đổi (theo quy luật nhân duyên), Đạo Phật cũng dạy đừng quá chú tâm vào những điều hư hão, luôn thay đổi, mà hãy tập trung vào cái cốt lõi của con người mình. Cái “cốt lõi” ấy là gì, thì tùy trình độ nhận thức, nhưng dù cho ở trình độ nào đi chăng nữa, sự giảng dạy này cũng khiến cho người ta bớt quan tâm tới những cái phụ thuộc như : tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, quần áo v.v...và bớt lo lắng cho sự được-mất của những thứ đó. Rồi cái mà người ta coi là “cốt lõi” dần dần đi vào con người mình, trở thành thân sác, tức sức khỏe, và người ta nói :“giàu nghèo thây kệ, miễn có sức khỏe"(hay “sức khỏe là vàng"), rồi vào sâu hơn nữa, trở thành cái “tâm” thường ngày, và người ta lại nói :“sao cũng được, miễn là tâm hồn thanh thản”...Cứ như thế, với chút duyên lành, người ta càng ngày càng tiến sâu thêm, và ý thức được tới những tầng cấp khác của tâm, có khi tập trung được vào những điều như “bản lai chân diện mục”, “Phật Tánh”, hay “Tâm Vô Ngã” để đạt đến một mức đọ an tĩnh rất cao, nghịch cảnh không còn lay chuyển nổi.

Một sự giảng dạy rất quan trọng khác của Đạo Phật, có khả năng đánh tan những ưu tư lo lắng, là lòng từ bi, hạnh bố thí. Dù cho chỉ là bố thí cầu phúc, chứ chưa được là “bố thí ba la mật” (với “tâm vô sở trụ"),thì sự bố thí ấy vẫn có khả năng khiến cho con người biết quên mình đi một chút, bớt nghĩ đến những ưu tư của mình, để nghĩ đến người khác. Có lần tôi đọc được một lời nguyện như sau :“nguyện cho cuộc đời tôi khổ sở hơn hiện tại gấp trăm ngàn lần, để cho chúng sinh được bớt đau khổ”. Kẻ nguyện lời này, dù chỉ trên đầu môi chót lưỡi, chứ không thành thật tâm niệm nó, cũng có thể có được một cái nhìn tích cực hơn đối với sự đau khổ. Biết đâu kẻ ấy lại chẳng dễ dàng chấp nhận một sự khổ đau nào đó hơn một chút, nếu nghĩ được rằng nhờ đó, mà mẹ mình, con mình, những người mình yêu mến, bớt khổ ? Thật ra, nguyện “khổ hơn trăm ngàn lần” không phải là đi tìm sự đau khổ, mà là sửa soạn tâm hồn để dù cho một sự khổ sở to lớn có xảy đến, thì mình cũng vẫn vui vẻ gánh chịu. Đó là tìm niềm vui. Vui trong cái khổ, trong nghịch cảnh, với “Bồ Đề Tâm”, và “Vô Phân Biệt Trí” (phiền não tức Bồ Đề). Và nguyện cho “chúng sinh bớt khổ”, chính là phân bố niềm vui (trong cảnh khổ) kia cho người khác, vừa là “Pháp Thí”, vừa là “Vô Úy Thí”. Theo tư tưởng “vô phân biệt”, thì “cho” cũng là “nhận”, nên người thực hành bố thí, cũng lãnh nhận những gì mình cho, và cũng giải quyết được những vấn đề của chính mình.

Tựu trung, trước một cuộc sống càng ngày càng vượt ngoài tầm tay của mình, quan niệm được rằng vui, khổ, chỉ là một vấn đề nội tâm, cho thấy mọi người đều có khả năng giải quyết vấn đề ấy, một cách bình đẳng, bằng sự quay về với chính tâm hồn mình. Nói cách khác : phương pháp để giảm bớt lo sợ trước ngoại cảnh không cần tìm nơi ngoại cảnh, mà do một sự thay đổi nội tâm. Đó là một đóng góp lớn của Phật Giáo, đặc biệt trong thời hiện đại.


3) Buồn chán vì mất ý nghĩa thăng hoa của công việc làm :

Như đã nói ở phần trước, con người thời đại bị ảnh hưởng bởi tính duy lợi của xã hội, và gần như chỉ còn biết làm việc cho riêng mình. Điều này đưa đến những phản ứng buồn chán, vì, một lúc nào đó, sự thiếu vắng một ý nghĩa thăng hoa cho công việc làm khiến người ta không còn muốn cố gắng, không còn muốn đem hết sức lực, trí tuệ và sự khéo léo của mình vào công việc làm nữa. Để làm gì ? Đó sẽ là câu hỏi ám ảnh tâm hồn con người ích kỷ, nhìn cuộc sống như một thời gian hưởng thụ sẽ chấm dứt trong bùn đất của nghĩa trang. Thật vậy, nếu cuộc sống ngắn ngủi này chỉ là một thời gian hưởng thụ thì anh làm việc cho nhiều để làm gì, và dù cho có bị bắt buộc phải làm việc, thì cần chi cố hết sức làm cho hay, cho tốt ? Anh phải dành thật nhiều thời giờ, thật nhiều tâm trí, để hưởng thụ những lạc thú của cuộc đời chứ ! Từ đó, người ta coi việc làm như một gánh nặng, một sự trừng phạt, một sự khổ đau, một cái giá phải trả để được hưởng thụ cuộc sống.

Đạo Phật lật ngược cái logique này lại, và dạy lấy chính công việc làm là mục đích của công việc làm. Không còn vấn đề làm việc để đạt đến một mục đích (hưởng thụ), mà chính sự làm việc đã là mục đích, là niềm vui của người làm việc. Các bà mẹ thường dễ cảm nhận ý tưởng này, vì khi các bà làm công việc nội trợ, thí dụ nấu một bữa ăn ngon cho chồng con thưởng thức, thì các bà rất dễ dàng cảm thấy hạnh phúc trong chính lúc làm việc ấy.

Mặt khác, khi dạy tập trung vào hiện tại, “sống từng sát na”, hay “từng hơi thở”, Đạo Phật dạy con người tìm hạnh phúc trong cái mà mình hiện có, trong việc mà mình hiện làm, dù cho mình có đang làm việc, hay đang vui chơi giải trí. Lester Thurow, Khoa Trưởng Phân Khoa Kinh Tế của Đại Học MIT có trích một đoạn văn mà ông nói là lấy từ Kinh Điển Phật Giáo, như sau : “Bậc Thày trong nghệ thuật sống không hề phân biệt trong bản chất, giữa làm việc và vui chơi giải trí, giữa cố gắng và lạc thú, (...). Ngài tìm sự hoàn hảo trong bất c&#

http://nguyen.hoai.van.pagesperso-orange.fr/Phat%20Giao.htm